Tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm
Năm 2021, hai ngành dệt may và da giày - túi xách đóng góp kim ngạch xuất khẩu 60 tỷ USD, trong đó, dệt may đạt 39 tỷ USD, tăng 12% còn giày dép - túi xách đạt gần 21 tỷ USD, tăng gần 5% so với năm 2020. Kết quả này vượt qua cả kỳ vọng, bởi cả hai ngành đều bị đứt gãy sản xuất trầm trọng trong quý III/2021 do Covid-19 bùng phát mạnh.
Thành quả đó đã mang đến nhiều xung lực mới để ngành dệt may và ngành da giày tự tin đặt mục tiêu cao hơn trong năm 2022. Ngay trong những ngày đầu xuân mới, các doanh nghiệp đã ra quân sớm để tận dụng thời gian đẩy mạnh sản xuất, giao hàng đúng hẹn cho khách.
Sáng mùng 4 Tết, toàn bộ 2 nhà máy sợi của Tổng công ty cổ phần Dệt May Hà Nội (Hanosimex) tại Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) đã hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Ông Hồ Lê Hùng, Tổng giám đốc Hanosimex cho biết: “Tranh thủ thị trường sợi đang tốt, giá xuất khẩu cao và đơn hàng đã được ký kết, doanh nghiệp sẽ tận dụng thời gian ‘vàng’, tập trung cao độ sản xuất để đạt hiệu quả cao nhất”.
Giống như Hanosimex, ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, Công ty May mặc Dony cũng tăng tốc, sản xuất liên tục để kịp tiến độ giao hàng.
“Doanh nghiệp đã ký hợp đồng cho tới giữa năm 2022 và đang thương lượng thêm rất nhiều hợp đồng mới. Hiện các đơn hàng xuất khẩu đi nhiều thị trường như Mỹ, châu Âu… đã kín lịch”. ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty May mặc Dony hào hứng chia sẻ.
Đối với ngành da giày - túi xách, dù vừa trải qua một năm có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, nhưng triển vọng năm 2022 cũng khá tích cực. Rất nhiều doanh nghiệp trong ngành da giày - túi xách đã có đơn hàng đến hết quý I/2022, thậm chí có doanh nghiệp có đơn hàng đến hết tháng 8/2022.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) khẳng định, dù dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thị trường chưa thể phục hồi như giai đoạn trước dịch, song cơ hội cho doanh nghiệp da giày Việt trong năm 2022 vẫn rộng mở.
Tại lễ phát động thi đua của 2 ngành dệt may, da giày đầu năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương cả 2 ngành, trong điều kiện rất khó khăn vì dịch bệnh đã thích ứng an toàn, duy trì sản xuất, kinh doanh tốt, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của 2 ngành chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và bằng với ngành điện tử công nghệ cao.
Thêm dự án mới
Từng phải đóng cửa cả 3 nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu gần 1 tháng hồi giữa năm 2021, song kết thúc năm, Công ty cổ phần May Đáp Cầu đã về đích vượt chỉ tiêu với mức tăng trưởng 21% so với 2020.
Ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc May Đáp Cầu cho biết, dù dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhưng nhu cầu mở rộng năng lực sản xuất của doanh nghiệp đang rất cấp thiết. Do đó, năm 2022, Công ty sẽ đầu tư thêm một dự án sản xuất hàng xuất khẩu mới mới tại Bắc Giang với mục tiêu hoàn thành xây dựng để đưa vào sản xuất từ cuối năm 2022 nhằm tăng năng lực, đón đầu nhu cầu thị trường đang gia tăng trở lại.
Cùng với duy trì mảng sản xuất - kinh doanh sợi, Hanosimex đặt mục tiêu đầu tư mở rộng năng lực sản xuất ngành may với nhà máy đặt tại Nghệ An
Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cũng chuẩn bị đón Nhà máy May Thành Công Vĩnh Long 2 (tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng) đi vào vận hành từ cuối quý I/2022, đảm bảo năng lực sản xuất để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Thời điểm hiện tại, đơn hàng dệt may, da giày rất nhiều. Các nhà nhập khẩu từ châu Mỹ, EU, Hàn Quốc… tăng đặt hàng trở lại sau 2 năm cầu sụt giảm vì dịch bệnh. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có một năm bận rộn hơn với các kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), trong kịch bản tích cực với giả định Covid-19 được kiểm soát và hoạt động sản xuất - kinh doanh được duy trì bình thường, xuất khẩu dệt may năm 2022 sẽ đạt khoảng 42,5 - 43 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp nhận định, kịch bản này là khả thi.
Trong khi đó, với ngành da giày - túi xách, mục tiêu đặt ra cho năm 2022 là kim ngạch xuất khẩu đạt 24 - 25 tỷ USD.
Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn không ít mà một trong số đó là chi phí logictics vẫn còn cao, container chuyển hàng khan hiếm. Thực tế, ở một số thời điểm trong năm 2021, có doanh nghiệp đã phải phải vận chuyển nhiều lô hàng bằng đường hàng không, lợi nhuận theo đó cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
Bước sang đầu năm 2022, đã có tín hiệu hạ nhiệt giá cước vận tải. Đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM chia sẻ, mới đây, Hàn Quốc bắt đầu có động thái xử phạt một số doanh nghiệp thao túng giá cước vận chuyển, nên giá có chiều hướng giảm nhẹ và thị trường Việt Nam cũng được hưởng lợi theo.
Nguồn: Báo Đầu Tư